Ba bộ cùng UBND các tỉnh hậu kiểm sản phẩm doanh nghiệp tự công bố, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra.
Với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, liên ngành sẽ tập trung kiểm tra việc sử dụng phụ gia thực phẩm, nguyên liêu; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm… Ảnh: T.C. |
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết, công tác hậu kiểm sẽ tập trung vào các sản phẩm tự công bố, sản phẩm nhập khẩu thuộc diễn miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm… Trong đó vừa hậu kiểm hồ sơ, vừa lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Đây là lần đầu tiên triển khai giám sát thực phẩm theo hướng này. Mục tiêu 100% sản phẩm lưu thông trên thị trường phải được kiểm tra, giám sát một lần trong năm về công bố sản phẩm và chỉ tiêu an toàn.
Tại Trung ương, công tác hậu kiểm tập trung tại các địa bàn Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hải Dương, Hưng Yên, Đồng Nai, Vĩnh Long… Thời gian thực hiện từ tháng 4 đến tháng 12
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực phẩm vừa ban hành đã thay đổi phương thức quản lý thực phẩm tại Việt Nam. Hiện nay, trừ 4 nhóm thực phẩm có yêu cầu đặc biệt, đa số thực phẩm thông thường doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm về chất lượng, cơ quan chức năng chịu trách nhiệm hậu kiểm. Điều đó đồng nghĩa giảm bớt tiền kiểm, tập trung vào hậu kiểm.
“Thông thoáng đầu vào nhưng quản lý chặt đầu ra. Doanh nghiệp tự công bố chất lượng, cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm; khi phát hiện ngoài xử phạt toàn bộ sản phẩm bị thu hồi”, ông Phong nhấn mạnh.
Hiện nay, để kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, Việt Nam thực hiện cả hình thức tiền kiểm và hậu kiểm. Trước khi sản phẩm lưu thông trên thị trường, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ bao gồm phiếu kiểm nghiệm, ghi nhãn… để cơ quan nhà nước kiểm tra giấy tờ, đối chiếu các chỉ tiêu an toàn doanh nghiệp tự công bố đã phù hợp chưa…, tức tiền kiểm. Trong quá trình kinh doanh, cơ quan chức năng tiếp tục định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu xét nghiệm (hậu kiểm) để giám sát chất lượng.
Nam Phương