Đồng thời, chứng nhận và minh bạch thông tin sản phẩm sạch để giúp người tiêu dùng dễ nhận diện, từ đó ưu tiên lựa chọn sử dụng sản phẩm sạch
Thắt chặt đầu vào
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết từ nay đến năm 2020, sở tập trung triển khai công tác giám sát sơ chế hàng hóa nông sản có nguồn gốc từ các tỉnh, thành đang phân phối tại 3 chợ đầu mối. Đồng thời, đảm bảo việc tiến tới truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm làm cơ sở quan trọng để xây dựng 3 chợ đầu mối trở thành trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm. Mục tiêu của kế hoạch nhằm đánh giá năng lực sản xuất, khả năng tạo nguồn hàng, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn; khảo sát hoạt động sản xuất, cung ứng, thu gom, sơ chế đóng gói các sản phẩm nông sản đang phân phối tại 3 chợ đầu mối bán buôn nông sản thực phẩm Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn; trong đó, ưu tiên các sản phẩm có sản lượng tiêu thụ lớn.
Hiện Sở Công thương đã phối hợp với tỉnh Đồng Tháp xây dựng chương trình hỗ trợ nông dân định hướng, tái cơ cấu sản xuất theo hướng hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, thực hiện truy xuất nguồn gốc, hình thành chuỗi giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Trong sản xuất nông nghiệp, các đơn vị phải theo đúng yêu cầu, tín hiệu của thị trường để kết nối với hệ thống phân phối TP, đảm bảo bao tiêu sản phẩm, tiêu thụ hết sản lượng sản xuất, khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu, được mùa mất giá và không đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ đó, nhân rộng ra các tỉnh, TP khác, tiến tới triển khai trên quy mô toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với mục tiêu trên, Sở Công thương xây dựng kế hoạch làm việc với hệ thống phân phối hiện đại và truyền thống để thống nhất các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm tra, kiểm soát và tiêu thụ sản phẩm, có cơ sở hướng dẫn cho các địa phương. Theo đó, Sở Công thương đã đề nghị 3 chợ đầu mối bán buôn nông sản thực phẩm Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn phối hợp rà soát danh sách các thương nhân kinh doanh mặt hàng trái cây (xoài, nhãn, quýt) và mặt hàng cá điêu hồng, để cung cấp thông tin số liệu sản lượng tiêu thụ mỗi mặt hàng bình quân hàng tháng của từng thương nhân; nguồn cung, tỷ lệ đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP có thương hiệu hay chỉ dẫn địa lý để Sở Công thương TPHCM phối hợp với Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với từng chợ để tổ chức triển khai thực hiện.
Công khai chất lượng sản phẩm đầu ra
Cùng với giải pháp thắt chặt chất lượng đầu nguồn cung ứng sản phẩm thực phẩm tại thị trường TPHCM, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP đã tổ chức trao chứng nhận “Chuỗi thực phẩm an toàn” cho các hệ thống phân phối đảm bảo tiêu chí sản phẩm sạch. Theo đó, hệ thống Co.opmart, Co.opXtra tại TPHCM và Trung tâm Phân phối thực phẩm Bình Dương của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) là hệ thống siêu thị đầu tiên của TP được đánh giá và chứng nhận “Chuỗi thực phẩm an toàn”.
Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, tham gia chuỗi thực phẩm an toàn của Saigon Co.op đợt đầu gồm có 33 siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra khu vực TPHCM, trung tâm phân phối và 21 nhà cung cấp các mặt hàng rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản cho siêu thị. Để tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn, hệ thống các đơn vị này phải duy trì công tác kiểm soát điều kiện cơ sở vật chất tại đơn vị kinh doanh đảm bảo các yêu cầu quy định chuỗi an toàn. Đồng thời, duy trì kiểm soát chất lượng hàng hóa đối với các sản phẩm đang kinh doanh khi tham gia chuỗi thực phẩm an toàn và các dấu hiệu nhận diện. Đối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp, phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, không tồn dư hóa chất cấm sử dụng, hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng và kiểm soát tốt từ sản xuất đến lưu thông. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng kế hoạch “Xây dựng mô hình thí điểm và triển khai thực hiện phương án quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn tại TPHCM” năm 2018 của Saigon Co.op.
Ở góc độ người tiêu dùng, chuỗi thực phẩm an toàn mang lại lợi ích cho cộng đồng, đảm bảo sản phẩm thực phẩm đang lưu thông trên thị trường được quản lý chặt chẽ về chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, nhấn mạnh việc hệ thống siêu thị và trung tâm phân phối của Saigon Co.op chủ động tham gia chuỗi an toàn thực phẩm đã mang lại lợi ích thiết thực về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Về lâu dài, giúp định hướng hoạt động của các nhà sản xuất đảm bảo chất lượng hàng hóa, nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong quá trình sản xuất thực phẩm. Nhà phân phối an tâm với sản phẩm thực phẩm thuộc chuỗi thực phẩm an toàn và người tiêu dùng tin yêu sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng.
KHÁNH MY