Nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất cũng đã có những đầu tư đổi mới để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiến tới xuất khẩu.
Xuất khẩu rau quả sang Singapore.
Bộ Công Thương là một trong 3 Bộ được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý về an toàn thực phẩm. Thời gian qua, quản lý nhà nước về hệ thống phân phối an toàn thực phẩm trong ngành được triển khai tích cực. Cùng với nỗ lực đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất cũng đã có những đầu tư đổi mới để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiến tới xuất khẩu.
Theo bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp sạch có ứng dụng công nghệ cao đang từng bước chuyển mình, để nâng cao chất lượng, các tiêu chí về an toàn thực phẩm hơn nữa.
Bà Hằng chia sẻ, tại các nước phát triển như Đan Mạch, Nhật Bản, trong các bữa ăn hàng ngày, họ đều ăn rau tươi trực tiếp, hoặc trộn dầu dấm mà không qua chế biến như Việt Nam. Bởi theo họ, ăn như vậy sẽ giữ được các loại vitamin tốt cho sức khỏe.
Do vậy, tiêu chí của công ty lựa chọn là hướng đến việc cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn từ trang trại tới bàn ăn, mang lại sức khỏe cho mọi người. Mặc dù để thực hiện được là rất khó khăn song nếu các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam làm được điều đó, cơ hội chiếm lĩnh long tin, thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu là rất khả quan.
Hiện nay, thực phẩm bẩn đang là nỗi lo của rất nhiều người tiêu dùng. Nhiều thương lái, nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên vấn đề chất lượng thực phẩm… Đơn cử như vụ việc “cà phê pin” hay thuốc chữa ung thư giả… làm ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng.
Trong khi đó, bà Hằng cho rằng, nhiều vườn rau sạch sản xuất ra không được người tiêu dùng đón nhận, nhiều ruộng rau sạch trồng theo công nghệ cao phải đổ bỏ vì không có đầu ra; hoặc bản thân người tiêu dùng không biết mua ở đâu.
“Do vậy, chúng tôi tập trung vào chất lượng sản phẩm và độ an toàn bằng cách liên kết với các trang trại, các nhà cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn, có hồ sơ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đề đảm bảo hàng hóa có chất lượng, giá hợp lý, hạn chế bớt khâu trung gian… Từ các nhà sản xuất, các trang trại sạch này, công ty sẽ bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định và giúp họ ứng dụng các công nghệ cao, xây dựng nhà xưởng, sau bảo quản quản… để tiến tới xuất khẩu ra các thị trường.
Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Công ty TNHH Happy Business, chuyên sản xuất miến, bánh đa khô tại Hà Nam cho hay, hiện nay, các sản phẩm của công ty đã được người tiêu dùng trong nước đón nhận. Nhưng với tiêu chí sản xuất sạch, bao bì đẹp, giá cả cạnh tranh, công ty đang đầu tư cơ sở vật chất, nhà xưởng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và lượng cung ứng hàng, tiến tới xuất khẩu ra các thị trường trong khu vực và thế giới.
Hiện công ty đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng cho nhà xưởng để sản xuất sạch, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và các loại côn trùng như ong, muỗi… tới sản phẩm. Đồng thời trong thời gian ngắn tới, sẽ tiếp tục mua thêm các thiết bị, dây chuyền tráng bánh, lò sấy… để sản xuất theo chuỗi, làm sao tối ưu nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, có điều kiện giới thiệu sản phẩm ra các nước bạn tại các buổi hội chợ, giao thương xúc tiến thương mại…, ông Định nói.
Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Đầu tư Công nghệ xanh tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Bà Lê Thị Dung, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, doanh nghiệp đang tiếp tục hình thành vùng chuyên canh sản xuất rau màu, mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với cây lúa.
Với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam, sản phẩm rau của công ty đạt chất lượng tốt, đưa ra thị trường được các doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng phản hồi tích cực, từ đó đã có nhiều doanh nghiệp thương mại mong muốn được hợp tác, sản xuất và bao tiêu các sản phẩm rau đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm.
Hiện nay, Công ty CP Đầu tư Công nghệ xanh đang áp dụng các phương pháp bảo vệ cây trồng trong sản xuất như nhà lưới, công nghệ tưới tiên tiến… giúp cho các sản phẩm nông sản được bảo vệ tốt hơn mà không phải sử dụng các loại thuốc kích thích, thuốc bảo quản độc hại, đảm bảo chất lượng hàng hóa nông sản sạch và năng suất cao hơn hẳn so với sản xuất theo cách thông thường. Nhiều doanh nghiệp đã tìm đến để hợp tác, tiến tới sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài, bà Dung cho hay.
Mặc dù chỉ là những doanh nghiệp nhỏ, xuất phát từ làng nghề sản xuất miến, bánh đa, hay sản xuất nhỏ lẻ từ quả cà chua, mớ rau… song ý thức và trách nhiệm cộng đồng, ý thức về việc đầu tư cơ sở hạ tâng để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm của những đơn vị này đang góp phần đem lại niềm tin cho người tiêu dùng, và hình ảnh của sản phẩm nông sản nước nhà
Chia sẻ với báo chí, bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam cho rằng, ở các ngành nghề nói chung và đặc biệt, riêng với ngành nông nghiệp, thì yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải ứng dụng bằng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm; để đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm. Đó là hướng đi mà các doanh nghiệp Việt cần phải hướng đến nếu muốn phát triển bền vững và ổn định, cũng như thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành, hướng đến xuất khẩu.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, hiện Bộ đã xây dựng và ban hành 3 Thông tư quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dầu thực vật, sữa và bia…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã phổ biến mô hình chuỗi cửa hàng bảo đảm an toàn thực phẩm đến các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm; tổ chức kết nối, giới thiệu các sản phẩm thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối… Ngoài ra, Bộ Công Thương còn chủ trì, phối hợp với nhiều bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh triển khai xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh, với các mặt hàng được cam kết bao tiêu sản phẩm như: Lúa, ớt, khoai tây, hành củ, bí ngô, thuốc bảo vệ thực vật…
Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện hiệu quả chương trình tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp kinh doanh, phân phối hàng hóa thực phẩm, nhằm kết nối cung – cầu và xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt an toàn…/.
Đức Dũng/Bnews/TTXVN